Author Archives: tramnguyen

Tuổi xế chiều của cựu thủ môn Lưu Kim Hoàng

TT – Chiều cuối tuần, trong cảnh vắng lặng của khuôn viên CLB Bóng đá TP.HCM (dưới chân cầu Tân Thuận – quận 7), một người đàn ông ngoại lục tuần đang lặng lẽ lau chùi chiếc xe ca từng một thời chở đội bóng đá Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, sau này là đội hạng nhất TP.HCM (vừa rớt xuống hạng nhì quốc gia) ngược Bắc xuôi Nam.

luu-kim-hoang-2

Ở tuổi 64, thủ môn Lưu Kim Hoàng  (CSG) vẫn có cú bay  người để cứu bàn thua trông thấy trong trận CSG thắng Sở Công Nghiệp 2-1 ở vòng loại Giải  tứ hùng mang tên “Một thời vang bóng” tổ chức tại TP.HCM đầu tháng 9 vừa qua

Người đàn ông dong dỏng cao với làn da đem sạm vì nắng gió ấy chính là cựu thủ môn Lưu Kim Hoàng (64 tuổi)) – người từng làm đắm say lòng người hâm mộ cả nước với những pha bay người bắt bóng đẹp mắt trong màu áo Cảng Sài Gòn.

Tháng 12-1988, ở tuổi 40, ông Hoàng chủ động đề xuất với HLV Tam Lang cho mình nghỉ hưu và tiến cử Nguyễn Hồng Phẩm thay thế. Rời sân cỏ, ông về công tác ở bộ phận lai dắt tàu thuộc thủy đội Cảng Sài Gòn. Lênh đênh trên sông nước nhưng lực hút của quả bóng tròn vẫn kéo ông đến sân mỗi khi rảnh rỗi hoặc lúc đội cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn tụ họp đi đá bóng từ thiện nơi này nơi khác. Năm 2004, Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn ra đời, ông xin rời thủy đội về làm việc ở CLB với vai trò cắt cỏ, kẻ vôi sân bóng đá và soát vé mỗi lúc đội chơi trên sân Thống Nhất.

luu-kim-hoang

Ông Lưu Kim Hoàng lau chùi chiếc xe ca chở đội bóng trong khuôn viên CLB

Ba năm trở lại đây, ông chuyển sang làm bảo vệ. Do kinh phí của CLB Bóng đá TP.HCM hết sức èo uột nên đội từ hạng chuyên nghiệp rơi xuống hạng nhất rồi hạng nhì. Cái tên Cảng Sài Gòn thân thương ngày nào giờ trở thành hoài niệm một thời. Bốn tháng liền nhóm bảo vệ chẳng hề nhận được một đồng lương. Lãnh đạo CLB thì biệt dạng, điện thoại hỏi thăm việc lương bổng họ không hề bắt máy.

Không lương thì sống bằng cách nào? Ông Hoàng cười hiền hòa nói: “Họ khó khăn nên mới chậm trả lương và tôi tin chẳng ai quỵt lương mình đâu. Mấy tháng nay, tôi sống bằng nghề trọng tài nghiệp dư khi điều khiển các trận đá bóng phong trào. Chạy bở hơi tai 80 phút được trả 80.000 đồng. Mỗi tuần, khi rảnh rỗi, ông Hoàng lại ra sân Tao Đàn để huấn luyện các cầu thủ năng khiếu “Ươm mầm tài năng” do các cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn tổ chức. Mỗi buổi huấn luyện ở đây ông được nhận từ 300.000-400.000 đồng. Khoản tiền này cộng với việc “chạy sô” làm trọng tài giúp ông có trên 2 triệu đồng/tháng tạm đắp đổi qua ngày.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông vừa luôn tay lau chùi chiếc xe ca chở đội bóng – tài sản quý giá nhất còn sót lại của CLB Bóng đá TP.HCM. Lau đến chỗ logo có dòng chữ Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, mắt ông như muốn nhòa đi…

Theo Tuổi trẻ online

Có nhà thi đấu, sinh viên vẫn thiếu sân chơi

TT – Dù có nhà học thể dục thể thao (nhà thi đấu thể thao) khá hiện đại nhưng sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM không được chơi thể thao ở đó ngoài giờ học thể chất do nhà thi đấu bị cho thuê.

dhkhxh-nv

Nhà thi đấu (NTĐ) nằm tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức có diện tích khoảng 3.000m2. Bên trong nơi này là sân thi đấu sàn gỗ và khán đài có sức chứa khoảng 1.000 người. Nhà học TDTT được chia thành nhiều phần, ở giữa là sân bóng chuyền, bên phải là hai sân tập cầu lông dã chiến.

Gần 7g, khoảng 80 sinh viên của lớp địa lý và lớp Hàn Quốc học khóa 2011 bắt đầu giờ học. Không khí tập luyện khá sôi nổi khi trên sân bóng chuyền, sinh viên tập bắt bước một và sau đó là chuyền hai. Các nam sinh viên đặc biệt hào hứng vì suốt một tuần học hành căng thẳng, họ chỉ có một buổi được chơi thoải mái trong NTĐ TDTT của trường. Tiếng hò hét và đập bóng của các bạn tạo nên một không khí hết sức sôi động. Kế bên, lớp cầu lông cũng không kém phần hấp dẫn. Buổi học của họ kéo dài đến khoảng 9g kết thúc để nhường sân lại cho các lớp ca sau bắt đầu lúc 9g25 và kết thúc lúc 11g. Buổi chiều, sân tiếp tục đón nhận các bạn sinh viên từ 13g-16g30.

Bạn N.T.B.P. (sinh viên năm 3) cho biết: “Ngoài tiết học thể chất, chúng tôi gần như không được chơi trong NTĐ. Sau giờ học của chúng tôi, bảo vệ sẽ khóa cửa NTĐ”. Tuy nhiên, sinh viên vẫn có thể chơi thể thao trong NTĐ nếu… bỏ tiền thuê. Theo quy định của ban quản lý NTĐ, mỗi ngày có hai khung giờ cho thuê ngoài giờ học của sinh viên. Cụ thể, buổi trưa từ 11g-3g, giá thuê sân là 200.000 đồng/giờ dành cho những người ngoài trường. Khung giờ sau 16g30, người ngoài thuê sân phải trả 250.000 đồng/giờ. Người muốn thuê sân có thể gọi điện đặt trước. Sinh viên không có bất cứ ưu đãi nào, trừ việc được giảm giá 30.000-50.000 đồng/giờ.

Điều này khiến nhiều sinh viên bức xúc khi bị đuổi ra ngay khi vừa kết thúc giờ học do phải nhường sân cho người thuê. Sinh viên A.T. cho biết: “Có lúc chúng tôi đang chơi dang dở bóng chuyền cũng bị gọi ra ngoài lập tức. Muốn được ở lại chơi bóng phải gom tiền của mọi người để trả tiền thuê. Dù vậy, hiếm khi chúng tôi thuê vì giá quá cao đối với mức sống của sinh viên”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc NTĐ Dương Văn Hiền nói: “NTĐ được thành lập để phục vụ các tiết học chính khóa của sinh viên. Ngoài các tiết học, sinh viên thuê để bù đắp chi phí vệ sinh, trật tự, công tác quản lý, tu sửa… Nếu để sinh viên vào chơi tự do sẽ dẫn tới tình trạng mất trật tự, khó quản lý, dễ phát sinh mâu thuẫn. Đó là chưa kể cơ sở vật chất xuống cấp rất nhanh. Nhà trường không đặt mục đích kinh doanh cơ sở vật chất dành cho các hoạt động TDTT. Việc cho thuê chỉ có thể tiến hành khi các tiết học chính khóa của sinh viên kết thúc. Do không có hệ thống chiếu sáng đúng quy cách nên thời gian cho thuê mỗi ngày chỉ khoảng đôi ba giờ”.

Theo Tuổi trẻ online