• Người Đức đã "quy hoạch" bóng đá trẻ tốt như thế nào?
    14:30 | 06/05/2013

    Sự kiện Bayern và Dortmund đè bẹp hai thế lực khổng lồ Real và Barca để tạo nên trận chung kết Champions League toàn Đức đầu tiên trong lịch sử được nhìn nhận như một bất ngờ, song đó không phải hiện tượng nhất thời mà là thành quả đơm hoa kết trái sau nhiều năm làm “cách mạng” của nền bóng đá này.

    Reus và Goetze đều là thành quả của dự án đào tạo trẻ mà DFB khởi xướng năm 2001

    Reus và Goetze đều là thành quả của dự án đào tạo trẻ mà DFB khởi xướng năm 2001

    Hơn 10 năm trước, khi ĐT Đức bị loại ngay vòng bảng EURO 2000 mà chỉ ghi được duy nhất 1 bàn thắng, LĐBĐ Đức (DFB) rút ra một kết luận cực kỳ quan trọng rằng họ không có đủ cầu thủ trẻ tài năng để duy trì vị thế hàng đầu trên bản đồ bóng đá. Cùng lúc đó, thực trạng giải Bundesliga ngày càng bị chi phối bởi những cầu thủ nước ngoài với giá trị chuyển nhượng cao ngất.

    Vậy nên, kể từ năm 2001, DFB triển khai một đề án tập trung vào công tác đào tạo cầu thủ cũng như những quy định mới buộc các CLB phải thực hiện. Theo đó, tất cả các đội bóng đang tham dự Bundesliga phải thành lập học viện đào tạo trẻ với đầy đủ trang thiết bị tiêu chuẩn cho các tuyến trẻ từ U12 đến U23. Nếu không, họ sẽ không được cấp giấy phép hoạt động. Cho đến nay, quy định này vẫn không tồn tại ở một quốc gia nào khác ngoài Đức.

    Các học viện không đơn thuần chỉ là tài sản riêng của CLB mà là một phần trong dự án hợp tác trên quy mô lớn của bóng đá Đức. Quá trình triển khai được phối hợp giám sát bởi Ủy ban các học viện, đại diện từ DFB, DFL (BTC các giải bóng đá Đức) và dĩ nhiên là phía CLB.

    DFB tạo rất nhiều sân chơi hàng năm để thanh thiếu niên tiếp cận với bóng đá

    DFB tạo rất nhiều sân chơi hàng năm để thanh thiếu niên tiếp cận với bóng đá

    Ngay năm tiếp theo, DFB mở rộng yêu cầu trên đối với cả giải hạng Nhì. Họ cũng đòi hỏi tối thiểu mỗi tuyến trẻ của học viện phải có ít nhất 12 cầu thủ đủ điều kiện chơi cho nước Đức. Đây là điểm khác biệt so với quy định 6+5 tại Anh, vốn yêu cầu mỗi CLB phải có 5 cầu thủ do họ tự đào tạo. Tuy nhiên, “kẽ hở” là một số cầu thủ như Cesc Fabregas được Arsenal đào tạo từ 16 tuổi nhưng lại mang quốc tịch Tây Ban Nha.

    Được biết, trong mùa giải 2011/12, kinh phí mà các CLB ở hai hạng đấu hàng đầu của Đức chi cho công tác đào tạo trẻ là hơn 100 triệu euro. Và tổng số tiền đầu tư kể từ năm 2001 tính đến nay đã là hơn 713 triệu euro.

    Với cách làm “xây nhà từ móng”, DFB đã đạt được mục đích căn bản là nâng cao trình độ các cầu thủ trẻ của mình lên đáng kể. Điều đó mang đến lợi ích trực tiếp cho các CLB, tiếp đến là ĐT Đức. Thống kê cho thấy trước năm 2002, Bundesliga có 60% cầu thủ là người nước ngoài. Hiện giờ, con số đó đã đảo chiều khi số cầu thủ Đức là 62%.

    Rõ ràng là khả năng cạnh tranh của các CLB Bundesliga được gia tăng đáng kể nhờ vào nguồn cung từ học viện đào tạo thay vì chi tiêu hàng chục triệu euro mua cầu thủ mới mỗi mùa. Thông qua hệ thống đào tạo này, DFB cũng truyền đạt một tầm nhìn và triết lý xuyên suốt tới tất cả các cấp bậc của nền bóng đá Đức, từ chuyên nghiệp tới nghiệp dư. Ví dụ như việc các học viện đều lấy sơ đồ 4-2-3-1 làm tiêu chuẩn trong bài giảng của mình.

    Toni Kroos và Mueller trưởng thành từ học viện của Bayern

    Toni Kroos và Mueller trưởng thành từ học viện của Bayern

    Dortmund có thể nói là một ví dụ hoàn hảo về việc sử dụng hệ thống đào tạo trẻ một cách đúng đắn để tạo nên thành công. CLB vùng Ruhr từng suýt phá sản hồi năm 2005 nếu không nhận được một khoản vay tín chấp từ kình địch Bayern (1 ví dụ về sự tương trợ giữa các đội bóng Đức). Trong thế chân tường, Dortmund buộc phải tham gia một canh bạc với những học viên tốt nghiệp hệ thống đào tạo của mình như Schmelzer, Goetze, Grosskreutz, Sahin…

    Kết hợp với sự đầu tư khôn ngoan mua rẻ, bán đắt trên thị trường chuyển nhượng, Dortmund đã tạo ra một tập thể hai năm liền vô địch Bundesliga (2010/11 và 2011/12), 1 DFB Cup dựa trên lối chơi hấp dẫn bậc nhất. Thành công trên sân cỏ đồng nghĩa Dortmund đã giảm khoản nợ từ 143 triệu euro xuống chỉ còn 11 triệu euro và tạo ra lợi nhuận trước thuế là 34 triệu euro mùa trước. Dẫu rằng Dortmund có thể không giữ được chân Goetze và Lewandowski mùa Hè này, nhưng với lớp trẻ kế cận như Leitner, Bittencourt… đội chủ sân Signal Iduna Park tự tin rằng họ sẽ vẫn giữ được vị thế của mình trong nhiều năm nữa.

    Với Bayern cũng vậy, đội hình mà họ vừa đánh bại Barca với tổng tỷ số 7-0 cũng có những cầu thủ xuất sắc trưởng thành từ chính lò đào tạo của CLB. Thomas Mueller, trực tiếp ghi 3 trên 7 bàn vào lưới Valdes, sinh năm 1989, trong khi hậu vệ David Alaba sinh năm 1992. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến Toni Kroos sinh năm 1990. Đó đều là những cầu thủ hưởng lợi từ hệ thống học viện được DFB gây dựng 13 năm trước.

    Thành công của DFB và nền bóng đá Đức đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, trong đó có cả người Anh vốn bảo thủ. Họ đã đến Đức để nghiên cứu và học hỏi mô hình đào tạo trẻ này để áp dụng ở đất nước mình. Có thể nói cuộc cách mạng của bóng đá Đức không chỉ gói gọn trong phạm vi nước Đức nữa mà nó sẽ làm thay đổi bản đồ bóng đá thế trong tương lai gần.

    Theo Bongda+

Chân dung người nổi tiếng
  • HLV Lê Huỳnh Đức
    Lê Huỳnh Đức được xem là huyền thoại số 1 của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Hiện đang là huấn luyện viên trưởng của SHB. Da Nang.
  • HLV Alex Ferguson
    Sir Alex nghỉ hưu vào cuối mùa giải 2012-2013. Trong suốt 27 năm cầm quân tại Old Trafford Sir Alex đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lối chơi và thành công của Quỷ Đỏ.
  • Tiền đạo Lê Công Vinh
    Tiền đạo Lê Công Vinh hiện đang thi đấu cho SLNA
  • Lionel Messi
    Lionel Messi trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong 1 năm với 91 bàn thắng trong năm 2012.
Quảng Cáo
  • Công ty TNHH & TM Thái Sơn Bắc
  • Milo
  •  CLB Thai Sơn Nam
  • vff
  • Công ty Cổ phần Cáp điện và hệ thống LS-VINA
  • Công ty cổ phần thể thao Động Lực
  • Công ty TNHH & TM Thái Sơn Nam
  • Sài Gòn FC