Author Archives: tramnguyen

Kết thúc vòng 8 V-League 2013: B.Bình Dương đã biết thắng, SLNA đứt mạch bất bại

Vòng 8 V-League 2013 chứng kiến nhiều cuộc “nổi dậy” ý nghĩa ở nhóm dưới của bảng xếp hạng. B.Bình Dương đã biết đến mùi chiến thắng khi đánh bại Hà Nội T&T 3-1 trên sân nhà. Màn lội ngược dòng thành công 2-1 của HAGL trước đội bóng xứ Nghệ, khiến thầy trò HLV Hữu Thắng nếm mùi thất bại ngay từ đầu mùa giải.

 

Gi?i Bóng dá Vô d?ch Qu?c gia – Eximbank 2013: CLB XM The VissaiBất ngờ Ninh Binh ( phải) vượt qua SHB. Da Nang

Một trận đấu mãn nhãn được chủ nhà Đồng Nai và V.Hải Phòng tạo ra trên sân Biên Hòa. Bốn bàn thắng được chia đều cho hai đội nói lên sự kịch tính hấp dẫn của trận đấu này. Dù phải chơi trên sân khách nhưng V.Hải Phòng mới là đội bóng thi đấu xuất sắc hơn khi họ có hai bàn thắng do công của Văn Tân và Hữu Phát. Tuy nhiên, sự tỏa sáng của ngoại binh Victor và Henry bên phía chủ nhà Đồng Nai giúp họ có được hai bàn gỡ ngay trong 45 phút đầu tiên của trận đấu. Cuộc đại chiến trên phố núi giữa HAGL và SLNA diễn ra kịch tính đến phút cuối cùng. Tưởng chừng như 1 điểm đã có trong tay thầy trò Hữu Thắng khi Hector mở tỉ số cho SLNA ở phút 32. Tiền đạo Hoàng Thiên san bằng cách biệt 1-1 ở phút 76, đúng những phút bù giờ cuối cùng của trận đấu, trung vệ  Hữu Long giết chết hy vọng có điểm của đội bóng xứ Nghệ với pha dứt điểm bằng đầu đẹp mắt ấn định chiến thắng 2-1 cho HAGL.

Cuối cùng thì K.Kiên Giang và B.Bình Dương cũng biết đến mùi chiến thắng, đối đầu với một ĐTLA thi đấu thất thường, thầy trò HLV Lại Hồng Vân đã tận dụng thành công thời cơ ấy khi giành chiến thắng sát nút 3-2. Trên sân Gò Đậu người hâm mộ bóng đá đất Thủ lần đầu tiên được ăn mừng chiến thắng thuyết phục 3-1 của đội nhà. Tân ngoại binh Sunday tỏa sáng với hai pha lập công xuất thần, trước đó trọng thần Philani cũng kịp để lại dấu ấn bằng một bàn thắng đẹp mắt. Thua trận 1-3 nhưng Hà Nội T&T vẫn nằm trong tốp 5.

 

Gi?i Bóng dá Vô d?ch Qu?c gia – Eximbank 2013: CLB XM The VissaiV. Ninh Binh vui mung khi gianh chien thang truoc SHB. Da Nang

Bất ngờ lớn nhất của vòng đấu chính là việc V.Ninh Bình hạ gục nhà ĐKVĐ SHB. Đà Nẵng với tỉ số đậm 4-1. Chính thức trở lại V-League, sau thành công rực rỡ ở AFC Cup 2013, đội bóng sông Hàn lại cho thấy sự thất thường của mình khi họ thủng lưới đến 4 bàn, bàn thắng danh dự của Minh Tuấn không thể chữa lành vết thương mà các học trò của HLV Văn Sỹ mang lại cho đội bóng Đà thành. Trên sân Thống Nhất, Thanh Hóa làm khách của XMXT Sài Gòn với đội hình chắp vá, Bật Hiếu nhận án treo, Quốc Phương, Đức Tuấn chấn thương khiến sức mạnh của đội bóng xứ Thanh bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy thất bại với tỉ số 2-1 sau hai hiệp thi đấu chính thức, nhưng đáng khen cho tinh thần thi đấu của các cầu thủ đội khách. Bị dẫn bàn nhưng học trò HLV Đức Chung đã chơi trận đấu đầy nổ lực, nếu như xà ngang và hậu vệ của đội nhà không phá bóng ngay trên vạch vôi thì đội khách Thanh Hóa cũng đã bỏ túi 1 điểm. Trắng tay rời Sài thành con đường phía trước của Thanh Hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn khi ba trong bốn đội bóng tiếp theo họ phải gặp là những đội bóng mạnh SLNA, SHB. Đà Nẵng, B.Bình Dương.

Đình Viên

Chiếc mặt nạ của Hoeness đã rơi xuống

Với việc lọt vào chung kết Champions League sau khi đè bẹp Barca, Bayern Munich đang trải qua những ngày tháng rực rỡ. Nhưng vị Chủ tịch huyền thoại của họ thì không: Uli Hoeness đang sống trong những ngày tháng địa ngục khi bị phát hiện trốn thuế.

CON BẠC KHÁT NƯỚC
Ngày 20/3/2013 trở thành một ngày định mệnh với Chủ tịch Uli Hoeness của Bayern Munich. Đó là một sáng đẹp trời, Hoeness đang trong phòng tắm. Ông đang rất vui vẻ vì Bayern vừa vượt qua Arsenal ở vòng 1/8 Champions League một cách ấn tượng.

Rồi tiếng chuông cửa vang lên. Hoeness mặc vội quần áo: trước cửa, một công tố viên và cảnh sát đang đứng chờ. “Đó là khi địa ngục bắt đầu với tôi” – Hoeness nhớ lại. Ông bị bắt vì tội trốn thuế và chỉ được tự do sau khi nộp một khoản bảo lãnh khổng lồ lên tới 5 triệu euro. Người đàn ông quyền lực nhất nước Đức đang đứng trước nguy cơ ngồi tù vì máu đỏ đen.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2000, khi Hoeness bắt đầu chơi thân với Robert Louis-Dreyfus, chủ sở hữu của Marseille và là tổng giám đốc của Adidas, nhà tài trợ chính của Bayern. Louis-Dreyfus rủ Hoeness chơi cổ phiếu. Nhà tài phiệt cho ông bạn người Đức vay 5 triệu mark Đức (khoảng 3,3 triệu USD) thông qua tài khoản số 4028BEA ở ngân hàng Vontobel, Thụy Sỹ.

Rồi bản thân ngân hàng Vontobel, dưới sự bảo lãnh của Louis-Dreyfus, lại cho Hoeness vay thêm 15 triệu mark nữa. Hoeness dùng số tiền ấy chơi cổ phiếu như một con bạc khát nước. Ông đánh ngày đêm, không rời chiếc máy báo chứng khoán một phút nào. Tất cả đều được giao dịch qua tài khoản ở Thụy Sỹ, không khai báo với thuế vụ. Nghĩa là một hành động trốn thuế.

Rồi tới đầu năm 2013 này, mọi chuyện vỡ lở sau một pha việt vị ngớ ngẩn của cựu tiền đạo huyền thoại này. Năm ngoái, chính phủ Đức đưa ra một ý tưởng để truy thu thuế từ những kẻ đã bí mật chuyển tiền ra các tài khoản ở Thụy Sỹ. Họ dự định sẽ cho phép những nhân vật này được tự thú một cách bí mật, công khai các tài khoản ở Thụy Sỹ đồng thời trả lại số thuế đã trốn.

Nếu làm như vậy, danh dự của những kẻ trốn thuế được bảo toàn (bởi quá trình này được giữ kín), họ không còn đứng trước nguy cơ bị phát hiện và truy tố, còn chính phủ Đức lấy lại số thuế đã mất.

Uli Hoeness ngây thơ tin rằng luật “ân xá” này sắp đi vào hiện thực. Tháng 1/2013, ông ta đem gan ruột bày ra trước thuế vụ Đức với mong muốn được rửa sạch tội lỗi. Tổng cộng, Hoeness đã bí mật chuyển 10 triệu euro thu nhập cá nhân từ chứng khoán sang các tài khoản ở Thụy Sỹ mà không khai báo thuế.

Nhưng pha việt vị này khiến cho Hoeness phải trả giá đắt. Phe đối lập trong Quốc hội Đức không đồng tình với ý tưởng của Chính phủ. Họ muốn những kẻ trốn thuế phải bị đem ra trước ánh sáng công lý. Và bỗng nhiên, Uli Hoeness rơi vào thế việt vị: sự tự thú của ông ta được công khai trước công luận, và nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu nước Đức trở thành một kẻ tội phạm.

Hoeness vẫn tự do. Nhưng đúng vào những ngày tháng tươi đẹp nhất của Bayern Munich trong thập kỷ qua, ông ngồi trên khán đài theo dõi tất cả với một tương lai tăm tối.

Ngày 10/4, Bayern Munich vượt qua Juventus với tổng tỷ số 4-0 ở tứ kết. Ngày 20/4, thông tin Hoeness trốn thuế được công bố với báo giới. Ngày 23/4, Bayern đại thắng Barca 4-0. Cũng trong ngày hôm đó, báo chí Đức đánh hội đồng Hoeness và gọi ông là: “Kẻ rao giảng về nước lã nhưng dấm dúi uống rượu vang”

HOENESS2

CON NGƯỜI HAI MẶT
Uli Hoeness là một trong những nhân vật được kính trọng bậc nhất nước Đức. Không chỉ bởi một tay ông ta đã biến Bayern Munich trở thành một trong những CLB giàu có và quyền lực nhất thế giới, mà còn bởi người đàn ông 61 tuổi này tỏ ra thực sự có tấm lòng với xã hội.

Năm ngoái, bang Bavaria tặng huân chương cho Hoeness, không phải vì những thành tích thể thao, mà bởi các đóng góp cho xã hội. Ông tham gia các dự án từ thiện dành cho trẻ em, thường xuyên khuyến khích văn hóa kinh doanh lành mạnh và kịch liệt lên án Real Madrid và Barcelona – 2 kẻ nợ thuế của chính phủ TBN, trong khi TBN lại phải nhận gói cứu trợ từ Đức.

Ông là một vị thánh đối với những người sa cơ lỡ vận như Sebastian Deisler, tiền vệ nổi tiếng một thời bị mắc bệnh trầm cảm. Hoeness là người đầu tiên anh gọi khi rơi vào trạng thái trầm cảm, hoặc Gerd Mueller, con sâu rượu số 1 của làng bóng đá Đức.

Ngay cả các CLB gặp khó khăn cũng có thể đến cầu cạnh Hoeness. Năm 2003, khi St.Pauli đứng bên bờ vực phá sản, Hoeness tổ chức một trận giao hữu từ thiện, thu về 200.000 euro cho CLB nghèo khó này. Tương tự là trận giao hữu trước Hè 2012 với Hansa Rostock, CLB từng dự Bundesliga nhưng giờ đã tụt xuống hạng Ba; rồi cả người hàng xóm 1860 Munich đang gặp cảnh khó khăn.

Hoeness thậm chí có thể chìa bàn tay ra với những kình địch: khi Dortmund không còn khả năng trả lương cầu thủ vào năm 2003, chính Bayern Munich chứ không phải ai khác, đã cho họ vay không tính lãi 3 triệu euro để qua cơn khốn đốn. “Một miếng khi đói” ấy đã cứu Dortmund khỏi cảnh phá sản, hồi phục và trở lại ngôi vô địch Bundesliga.

Thế nên, nếu nói rằng Uli Hoeness đeo một chiếc mặt nạ thì cũng hơi có phần bất công với ông. Chính xác hơn, Hoeness có 2 mặt: một khuôn mặt của một vị thánh, và một khuôn mặt của ác quỷ.

Cho đến lúc này, có nguồn tin cho rằng Bayern Munich đã “nhã nhặn” đề nghị ông Chủ tịch đáng kính nên từ chức để bảo toàn danh dự cho CLB. Hỏi Bayern thì họ khẳng định rằng đó là vấn đề cá nhân của ông Chủ tịch và CLB không liên quan. Hoeness vẫn im lặng.

Ông vẫn xuất hiện trên sân tập để động viên các cầu thủ trước thềm trận bán kết lượt về với Barcelona. Nhưng sự phán xét của công lý đang đến rất gần. Uli Hoeness có thể phải nhận mức án lên đến 10 năm tù giam nếu bị phán tội.

Liệu có khi nào, huyền thoại sống của Bayern Munich sẽ ra tù để chứng kiến CLB đổi tên một khán đài sân Allianz thành tên mình, như Man United đã làm để đón chào tuổi 70 của HLV Alex Ferguson?

HOENESS3

Đây không chỉ là một cú sốc với riêng bản thân Uli Hoeness. Ngay cả chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cũng đang đứng trước nguy cơ mất tín nhiệm vì scandal này. Phe đối lập, bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh, những người chiếm đa số ghế trong Thượng viện, lại cho rằng nếu dự luật của chính phủ được thông qua, thì không biết còn bao nhiêu kẻ “đạo đức giả” tiếp tục lừa dối xã hội?

HỌ ĐÃ NÓI:
“Scandal thuế này là một địa ngục và bây giờ người ta đã xếp tôi vào một tầng lớp xã hội mà tôi vốn không thuộc về. Tôi không phải ác quỷ. Tôi chỉ sai lầm ngớ ngẩn, tôi rất hối hận và muốn chuộc lỗi”

Uli Hoeness.

“Cả đội và tôi vẫn đang chiến đấu vì Hoeness. Chiến thắng Barca là để dành tặng cho Hoeness. Nhờ ông ấy mà đội bóng có ngày hôm nay”

HLV Jupp Heynckes.

“Tôi không thể tưởng tượng được Bayern sẽ tồn tại ra sao nếu không có Hoeness”

Tổng giám đốc Karl-Heinz Rummenigge.

“Một kẻ lừa dối dân chúng không xứng đáng là hình mẫu của công chúng nữa”

Chủ tịch Ủy ban thể thao Quốc hội Đức, Dagmar Freitag.
Theo Bongda+

Người Đức đã “quy hoạch” bóng đá trẻ tốt như thế nào?

Sự kiện Bayern và Dortmund đè bẹp hai thế lực khổng lồ Real và Barca để tạo nên trận chung kết Champions League toàn Đức đầu tiên trong lịch sử được nhìn nhận như một bất ngờ, song đó không phải hiện tượng nhất thời mà là thành quả đơm hoa kết trái sau nhiều năm làm “cách mạng” của nền bóng đá này.

Reus và Goetze đều là thành quả của dự án đào tạo trẻ mà DFB khởi xướng năm 2001

Reus và Goetze đều là thành quả của dự án đào tạo trẻ mà DFB khởi xướng năm 2001

Hơn 10 năm trước, khi ĐT Đức bị loại ngay vòng bảng EURO 2000 mà chỉ ghi được duy nhất 1 bàn thắng, LĐBĐ Đức (DFB) rút ra một kết luận cực kỳ quan trọng rằng họ không có đủ cầu thủ trẻ tài năng để duy trì vị thế hàng đầu trên bản đồ bóng đá. Cùng lúc đó, thực trạng giải Bundesliga ngày càng bị chi phối bởi những cầu thủ nước ngoài với giá trị chuyển nhượng cao ngất.

Vậy nên, kể từ năm 2001, DFB triển khai một đề án tập trung vào công tác đào tạo cầu thủ cũng như những quy định mới buộc các CLB phải thực hiện. Theo đó, tất cả các đội bóng đang tham dự Bundesliga phải thành lập học viện đào tạo trẻ với đầy đủ trang thiết bị tiêu chuẩn cho các tuyến trẻ từ U12 đến U23. Nếu không, họ sẽ không được cấp giấy phép hoạt động. Cho đến nay, quy định này vẫn không tồn tại ở một quốc gia nào khác ngoài Đức.

Các học viện không đơn thuần chỉ là tài sản riêng của CLB mà là một phần trong dự án hợp tác trên quy mô lớn của bóng đá Đức. Quá trình triển khai được phối hợp giám sát bởi Ủy ban các học viện, đại diện từ DFB, DFL (BTC các giải bóng đá Đức) và dĩ nhiên là phía CLB.

DFB tạo rất nhiều sân chơi hàng năm để thanh thiếu niên tiếp cận với bóng đá

DFB tạo rất nhiều sân chơi hàng năm để thanh thiếu niên tiếp cận với bóng đá

Ngay năm tiếp theo, DFB mở rộng yêu cầu trên đối với cả giải hạng Nhì. Họ cũng đòi hỏi tối thiểu mỗi tuyến trẻ của học viện phải có ít nhất 12 cầu thủ đủ điều kiện chơi cho nước Đức. Đây là điểm khác biệt so với quy định 6+5 tại Anh, vốn yêu cầu mỗi CLB phải có 5 cầu thủ do họ tự đào tạo. Tuy nhiên, “kẽ hở” là một số cầu thủ như Cesc Fabregas được Arsenal đào tạo từ 16 tuổi nhưng lại mang quốc tịch Tây Ban Nha.

Được biết, trong mùa giải 2011/12, kinh phí mà các CLB ở hai hạng đấu hàng đầu của Đức chi cho công tác đào tạo trẻ là hơn 100 triệu euro. Và tổng số tiền đầu tư kể từ năm 2001 tính đến nay đã là hơn 713 triệu euro.

Với cách làm “xây nhà từ móng”, DFB đã đạt được mục đích căn bản là nâng cao trình độ các cầu thủ trẻ của mình lên đáng kể. Điều đó mang đến lợi ích trực tiếp cho các CLB, tiếp đến là ĐT Đức. Thống kê cho thấy trước năm 2002, Bundesliga có 60% cầu thủ là người nước ngoài. Hiện giờ, con số đó đã đảo chiều khi số cầu thủ Đức là 62%.

Rõ ràng là khả năng cạnh tranh của các CLB Bundesliga được gia tăng đáng kể nhờ vào nguồn cung từ học viện đào tạo thay vì chi tiêu hàng chục triệu euro mua cầu thủ mới mỗi mùa. Thông qua hệ thống đào tạo này, DFB cũng truyền đạt một tầm nhìn và triết lý xuyên suốt tới tất cả các cấp bậc của nền bóng đá Đức, từ chuyên nghiệp tới nghiệp dư. Ví dụ như việc các học viện đều lấy sơ đồ 4-2-3-1 làm tiêu chuẩn trong bài giảng của mình.

Toni Kroos và Mueller trưởng thành từ học viện của Bayern

Toni Kroos và Mueller trưởng thành từ học viện của Bayern

Dortmund có thể nói là một ví dụ hoàn hảo về việc sử dụng hệ thống đào tạo trẻ một cách đúng đắn để tạo nên thành công. CLB vùng Ruhr từng suýt phá sản hồi năm 2005 nếu không nhận được một khoản vay tín chấp từ kình địch Bayern (1 ví dụ về sự tương trợ giữa các đội bóng Đức). Trong thế chân tường, Dortmund buộc phải tham gia một canh bạc với những học viên tốt nghiệp hệ thống đào tạo của mình như Schmelzer, Goetze, Grosskreutz, Sahin…

Kết hợp với sự đầu tư khôn ngoan mua rẻ, bán đắt trên thị trường chuyển nhượng, Dortmund đã tạo ra một tập thể hai năm liền vô địch Bundesliga (2010/11 và 2011/12), 1 DFB Cup dựa trên lối chơi hấp dẫn bậc nhất. Thành công trên sân cỏ đồng nghĩa Dortmund đã giảm khoản nợ từ 143 triệu euro xuống chỉ còn 11 triệu euro và tạo ra lợi nhuận trước thuế là 34 triệu euro mùa trước. Dẫu rằng Dortmund có thể không giữ được chân Goetze và Lewandowski mùa Hè này, nhưng với lớp trẻ kế cận như Leitner, Bittencourt… đội chủ sân Signal Iduna Park tự tin rằng họ sẽ vẫn giữ được vị thế của mình trong nhiều năm nữa.

Với Bayern cũng vậy, đội hình mà họ vừa đánh bại Barca với tổng tỷ số 7-0 cũng có những cầu thủ xuất sắc trưởng thành từ chính lò đào tạo của CLB. Thomas Mueller, trực tiếp ghi 3 trên 7 bàn vào lưới Valdes, sinh năm 1989, trong khi hậu vệ David Alaba sinh năm 1992. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến Toni Kroos sinh năm 1990. Đó đều là những cầu thủ hưởng lợi từ hệ thống học viện được DFB gây dựng 13 năm trước.

Thành công của DFB và nền bóng đá Đức đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận, trong đó có cả người Anh vốn bảo thủ. Họ đã đến Đức để nghiên cứu và học hỏi mô hình đào tạo trẻ này để áp dụng ở đất nước mình. Có thể nói cuộc cách mạng của bóng đá Đức không chỉ gói gọn trong phạm vi nước Đức nữa mà nó sẽ làm thay đổi bản đồ bóng đá thế trong tương lai gần.

Theo Bongda+

M.U nhận thất bại trước Bayern trong vụ Lewandowski?

Theo tiết lộ của The Sun, M.U đang gặp khó khăn trong việc chiêu mộ Robert Lewandowski của Dortmund, bởi tiền đạo này dường như đã đạt được thỏa thuận để chuyển đến chơi cho Bayern Munich.

Robert Lewandowski

Robert Lewandowski

Sir Alex Ferguson là một fan lớn của Lewandowski và ông không dưới 1 lần úp mở về khả năng chiêu mộ chân sút chỉ còn hơn 1 năm hợp đồng với Dortmund. Tuy nhiên, trong lúc M.U còn lưỡng lự đưa ra lời đề nghị chính thức thì Bayern đã ngấm ngầm “đi đêm” với Lewandowski.

Ngôi sao người Ba Lan dường như đã đồng ý gia nhập “Hùm xám” sau khi nhận được đề nghị là mức thu nhập 160.000 bảng/tuần, kèm theo bản hợp đồng có thời hạn 5 năm.

Lewandowski đã chơi tuyệt hay trong màu áo Dortmund mùa giải năm nay khi ghi được tổng cộng 35 bàn thắng trên tất cả các mặt trận, trong đó bao gồm “cú poker” vào lưới Real Madrid ở lượt đi bán kết Champions League.

Đầu tuần này, người đại diện của Lewandowski đã tiết lộ thân chủ mình muốn chuyển đến thi đấu tại Premier League nhưng không khẳng định bến đỗ mới có phải M.U hay không. Trong khi ở Đức, người ta đã bàn tán xôn xao về một thỏa thuận ngầm giữa Dortmund và Bayern, trước khi 2 đội này biết họ sẽ đụng độ nhau ở trận chung kết Champions League.

Chủ tịch danh dự Franz Beckenbauer của Bayern đã bày tỏ quan điểm về thông tin Lewandowski sắp gia nhập CLB, ông nói: “Nếu bạn có cơ hội sở hữu anh ấy, bạn phải nắm lấy nó, có thế thôi”.

Theo Bongda+

Mổ xẻ yếu tố thành công của bóng đá Đức

Bayern và Dortmund lần đầu làm nên trận chung kết toàn Đức tại Champions League – thành công rất đáng ghi nhận về mặt chuyên môn. Nhưng Bundesliga còn thành công ở rất nhiều khía cạnh khác, rất đáng để các giải đấu khác học hỏi.

Niềm vui của các cầu thủ Dortmund

Niềm vui của các cầu thủ Dortmund

Bayern và Dortmund là 2 đại diện tiêu biểu cho thành công chung của Bundesliga về mặt cấu trúc, tài chính và và sức hút. Real và Barca sở hữu những sân vận động khổng lồ, nhưng những lần 2 sân ấy kín chỗ không nhiều. Trong lúc Real và Barca cố kiếm nguồn thu từ giá vé thì các CLB Bundesliga lại đưa ra những mức giá rất phải chăng, kích thích khán giả đến sân. Chẳng hạn như vé đến xem một trận của Real vào khoảng 40 euro, con số này của Bayern chỉ là 15,5 euro.

Bình quân giá vé vào xem một trận của Bundesliga chỉ là 10 euro. Lượng khán giả bình quân của Bundesliga dao động trên dưới 45.000 người/trận, hơn 10.000 so với Premier League.

Đức luôn chú trọng vào khâu tự đào tạo. Dortmund có Mats Hummels, Sebastian Kehl, Marcel Schmelzer, Mario Goetze… Bayern dù sở hữu nhiều ngôi sao hàng đầu như Franck Ribery, Arjen Robben nhưng nền tảng của họ vẫn là những cầu thủ từ tuyến trẻ như Toni Kroos, Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger… Dortmund không giàu và quyền lực như Bayern, nên họ cố tự tạo ra những ngôi sao cho mình. Chúng ta đang nói về Nuri Sahin, Shinji Kagawa, Robert Lewandowski…

Chiến lược đào tạo trẻ trên toàn nước Đức đều thu được những thành quả tích cực. Trong 13 năm qua, Đức vô địch đủ các lứa U17, U19 và U21 châu Âu. Những CLB Đức không trả lương ngất ngưởng cho cầu thủ, nhưng mặt bằng chung của họ vẫn cao và luôn trả đúng hạn.

Dot-2

Về mặt kinh tế, không có một CLB Đức nào phải nợ (vì luật không cho phép), ngược lại với tình trạng đội nào cũng nợ như tại Tây Ban Nha. Trận chung kết Champions League năm ngoái Bayern thua trận, nhưng họ lời 79 triệu euro khi kết thúc mùa bóng trong khi Chelsea lỗ 106 triệu euro. Sự khác biệt quá rõ ràng. Tài chính của bóng đá Đức là mô phỏng của nền kinh tế Đức: lành mạnh bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế. Real và Barca thì phải sống dựa vào nợ ngân hàng. Chưa một CLB nào của Đức phải nộp đơn phá sản từ khi Bundesliga ra đời vào 1963. Có 92 CLB thuộc nền bóng đá Anh đã phải xin phá sản

Sân vận động của Đức rất đẹp và hiện đại. Đội Munich 1860 đã xuống hạng, nhưng sân vận động có sức chứa 70.000 khán giả của họ bao giờ cũng đông. Bundesliga luôn hấp dẫn, từ tính cạnh tranh cho đến sự cống hiến của các cầu thủ trên sân. Bayern hiển nhiên là ngáo ộp, nhưng từ năm 2000 đến nay, Werder Bremen, Wolfsburg, Stuttgart và Dortmund đều đã truất ngôi họ thành công.

Nói không hề quá lời, Bundesliga là giải vô địch mạnh nhất châu Âu hiện tại.

Theo Bongda+

Dortmund vs Bayern: Cuộc chiến tâm lý bắt đầu

Trận chung kết Champions League đã hâm nóng bầu không khí thù địch giữa Dortmund và Bayern. Cả hai bên đều không bỏ lỡ cơ hội công kích nhau cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Một cuộc chiến tâm lý đã nổ ra, mà biểu hiện mới nhất là màn tranh cãi nẩy lửa giữa GĐTT Matthias Sammer (Bayern) và HLV Juergen Klopp (Dortmund) trong trận derby nước Đức vừa qua.

Màn tranh cãi nảy lửa giữa HLV Klopp và GĐTT Bayern - Matthias Sammer

Màn tranh cãi nảy lửa giữa HLV Klopp và GĐTT Bayern – Matthias Sammer

Vụ va chạm giữa Sammer giữa Klopp diễn ra ngay sau tình huống Rafinha (Bayern) phải nhận thẻ đỏ vì huých cùi chỏ vào mặt Blaszczykowski. Rafinha vừa rút vào đường hầm vừa quay lại nói gì đó khiến HLV Klopp điên tiết xông đến phía hậu vệ người Brazil. Sammer cũng nhảy ra đường pitch chỉ thẳng mặt vị thuyền trưởng Dortmund. Hai tên tuổi lớn của bóng đá Đức lao vào gầm ghè tranh cãi nhau và nếu không có sự can thiệp của người ngoài thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Chưa bao giờ người ta thấy một HLV mềm tính như Klopp lại nóng giận đến vậy.

Còn nhớ trước đó một ngày, TGĐ của Dortmund, Hans Joachim Watzke, đã công khai chỉ trích mãnh liệt Bayern Munich: “Tôi từng rất ngưỡng mộ những thành công của Bayern. Nhưng giờ đây điều đó đã giảm đi đôi chút. Chẳng cần nói đến sự hữu hảo giả tạo nào cả. Tôi sẽ chẳng bao giờ thèm ăn trưa với người Bayern, một cái bắt tay cũng là tốt lắm rồi”. Ai cũng hiểu thái độ thù địch của Watzke bắt nguồn từ việc Dortmund bị Bayern cuỗm mất tài năng lớn nhất Mario Goetze.

Trận chung kết Champions League vẫn còn hơn 2 tuần nữa mới diễn ra. Từ giờ tới lúc đó cả Dortmund lẫn Bayern sẽ còn tung ra nhiều đòn tâm lý làm lung lạc tinh thần của nhau.

Theo Bongda+

Châu Âu cần khẩn trương copy mô hình của Bundesliga

Bóng đá Anh và Đức là 2 trường phái riêng biệt và các CLB của 2 quốc gia cũng có những nét không thể trộn lẫn với nhau. Người Anh vỗ ngực khoe khoang rằng mình có giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu nếu không nói là cả thế giới. Không sai. Nhưng nhìn rộng hơn, Premier League nói riêng và các giải đấu lân cận nói chung liệu có bao nhiêu đội làm ăn có lãi, hoặc biết cách tự sản tự tiêu?

Bayern là hình mẫu tiêu biểu của CLB đảm bảo cả chuyên môn lẫn kinh tế

Bayern là hình mẫu tiêu biểu của CLB đảm bảo cả chuyên môn lẫn kinh tế

Về khía cạnh kinh tế, Bundesliga lại càng là giải đấu mà mọi nền bóng đá khác nên nhìn vào học tập. Ở Anh, Chelsea và Man City được sở hữu bởi các ông chủ lắm tiền nhiều của. Họ có khả năng chi tiêu mà không cần nghĩ đến số tiền bỏ ra có xứng với mục tiêu đặt ra hay không, hoặc nó ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tài chính của CLB. Theo thống kê, Chelsea lỗ tới gần 82 triệu euro ở mùa giải năm ngoái, trong khi đội bóng lớn nhất nước Đức – Bayern dù vẫn quăng tiền vào TTCN song vẫn để ra được 1,65 triệu euro.

Luật kinh tế dành cho các đội bóng ở Bundesliga không bao giờ để xảy ra tình trạng lạm chi dẫn đến tuyên bố phá sản như Portsmouth hồi năm 2010. Nếu không có sự bảo trợ của Roman Abramovich và giới chủ Ả rập, những Chelsea và Man City chắc hẳn đã mất tích khỏi bản đồ bóng đá từ lâu.  Ở Bundesliga, người ta tính toán từng xu, đó không hẳn là chắt bóp hay keo kiệt, đơn giản họ không muốn “đi tắt”, đồng thời tránh sự phân hóa quá lớn giữa các đội bóng lớn (Dortmund, Bayern…) và nhỏ (Frankfurt, Mainz…).

Dortmund luôn được hậu thuẫn bằng lượng fan khổng lồ

Dortmund luôn được hậu thuẫn bằng lượng fan khổng lồ

Bundesliga mang tiếng là kém tính cạnh tranh, ấy vậy mà Sky vẫn đổ cả đống tiền vào để mua bằng được bản quyền truyền hình. Đơn giản, người hâm mộ ở đây xem bóng đá bằng niềm đam mê (8-10 triệu CĐV theo dõi qua truyền hình mỗi vòng, chưa kể đến sân), các sân bóng luôn chật kín người và cầu thủ chiếm phần đông là người bản xứ. Về phía các CLB, họ sử dụng tiền BQTH, tiền quảng cáo để phát triển nội lực, ví như đầu tư mạnh vào thế hệ trẻ, để rồi sản sinh ra những thế hệ ngôi sao bản địa, thay vì đặt kỳ vọng vào các cầu thủ nước ngoài (khởi nguồn thành công của ĐT Đức). Đó là lý do Sky phải tăng chi phí mua bản quyền từ 250 triệu euro lên thành 486 triệu euro cho gói mới nhất.

Người Đức biết cách kiếm tiền và biết cách xài tiền hơn bất kỳ ai khác. Nhờ 1,4 tỷ euro tài trợ của Sky, giới chức trách Đức đã có tiền để nâng cấp các sân vận động phục vụ cho World Cup 2006. Sau khi giải đấu kết thúc, các đội bóng sử dụng các sân bóng này có thể tăng thêm doanh thu trong những ngày có các trận cầu đinh. Tại Anh, nơi các đội bóng sở hữu cơ sở vật chất của riêng họ không hề nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ giới chức địa phương.

Quan hệ thương mại của các đội bóng Đức với các doanh nghiệp địa phương tốt hơn hẳn so với các đồng nghiệp ở Anh, Tây Ban Nha hoặc Pháp. Họ không bao giờ từ chối cơ hội hợp tác với các đối tác tài trợ địa phương và luôn sẵn sàng nhận sự bảo trợ dưới mọi hình thức.

Bayern "bạo chi" nhưng vẫn có lãi

Bayern “bạo chi” nhưng vẫn có lãi

Về mặt kiểm soát chi phí, chỉ có Đức và Pháp yêu cầu giám sát các hạng mục tài chính để đảm bảo các CLB chi không vượt quá khả năng trả của mình. Bundesliga và Ligue 1 cũng là hai giải đấu không hề e ngại dự luật công bằng tài chính mà UEFA sẽ áp dụng kể từ mùa tới. Điều này hoàn toàn trái ngược với Premier League, nơi các CLB luôn tìm cách chơi tiểu xảo hòng lách luật và giả mù trước “vết xe đổ” Portsmouth.

Ở Bundesliga, những người có trách nhiệm đã đưa ra quy định ngăn không có một cá nhân hoặc một tổ chức sở hữu quá 49% đội bóng. Đó được xem là một biện pháp tự vệ trong bối cảnh nền tài chính bóng đá đang bị lũng loạn bởi các ông chủ lắm tiền, không có chiến lược đầu tư và coi CLB là thứ đồ chơi mặc sức thao túng.

Hạn chế lớn nhất mà các giải đấu lớn ở châu Âu chưa thể giải quyết thấu đáo là việc chia sẻ lợi nhuận, trong đó bao gồm lương thưởng của cầu thủ và chi phí hoạt động. Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc khống chế lương trần của các vận động viên. Song điều này quả là không tưởng đối với các đội bóng châu Âu, nơi mà tiền là phương tiện tốt nhất để bạn có được những ngôi sao mình mong muốn hoặc giải tỏa nỗi niềm khó nói của các cầu thủ chủ chốt.

Đứng trên nhiều khía cạnh, Bundesliga vẫn được xem là một giải đấu có chỉ số an toàn cao (ít nhất là đến thời điểm hiện tại) và đáng được xem là mô hình tiêu biểu để noi theo. Thành công đến với một đội bóng có nền tảng vững mạnh bao giờ cũng lớn hơn so với những đối tượng lạm dụng tài chính.

Theo Bongda+

 

 

 

Sao Dortmund hoãn phẫu thuật vì Champions League

Hậu vệ Lukasz Piszczek đã quyết định lùi thời điểm tiến hành phẫu thuật chấn thương sang mùa Hè để có thể tham dự trận chung kết Champions League.

Piszczek sẽ lùi thời hạn phẫu thuật tới sau chung kết Champions League

Piszczek sẽ lùi thời hạn phẫu thuật tới sau chung kết Champions League

Thời gian qua, Lukasz Piszczek đã phải sống chung với chấn thương dai dẳng ở hông. Các bác sĩ của Dortmund cũng đã nhiều lần yêu cầu Piszczek tiến hành phẫu thuật để giải quyết dứt điểm ca chấn thương này.

Ban đầu, Piszczek dự định sẽ tiến hành phẫu thuật vào giữa tháng 5/2013. Thế nhưng, điều ít ai ngờ là Dortmund đã lọt vào đến chung kết Champions League. Vì thế, hậu vệ người Ba Lan này quyết định hoãn lại thời gian lên bàn phẫu thuật.

“Chung kết Champions League là trận đấu trong mơ với mọi cầu thủ. Đây là cơ hội của cả đời người. Tôi hy vọng mình sẽ bình phục để thi đấu trong trận chung kết Champions League. Sau đó, tôi sẽ xem xét vấn đề phẫu thuật nhằm điều trị dứt điểm chấn thương hông”, Piszczek cho biết.

Theo Bongda+

Bayern đã mở ra chương mới của bóng đá châu Âu

Chiến thắng 3-0 của Bayern Munich trước Barcelona ở bán kết lượt về Champions League tối thứ Tư ở Camp Nou đã đưa đội đương kim vô địch Bundesliga đi tiếp với tổng tỉ số 7-0.

bayern5

Ở chung kết, họ sẽ gặp đội bóng đồng hương Borussia Dortmund. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là chiến thắng của Munich cho thấy họ đủ sức kéo lên bức màn mới về cục diện bóng đá châu Âu sau nhiều năm thống trị của các CLB TBN.

Trận đấu bắt đầu với siêu sao của Barca Lionel Messi ngồi trên ghế dự bị và chưa có bàn nào được ghi cho tới hết hiệp 1. Cú sút ngoạn mục của Arjen Robben vào đầu hiệp 2 chính thức giết chết hy vọng của Barca, và một pha phản lưới của Gerard Pique cùng phát đạn ân huệ của Thomas Mueller sau đó chỉ có ý nghĩa làm sâu sắc thêm nỗi đau của các CĐV chủ nhà. Trận đấu kết thúc với sự thống trị hoàn toàn của Bayern, và Barca trở nên rệu rã.

Khi chuẩn bị cho trận đấu, bầu không khí ảm đạm đã lan tới Catalunya từ Madrid sau buổi tối thứ Ba. Tình hình càng thêm bi đát khi những tin tức mới nhất nói Messi không thể đá chính. Bộ đôi ở trung tâm Cesc Fabregas và Alex Song rõ ràng không đủ để mang lại tự tin cho 90.000 khán giả ở Camp Nou. Tất cả những gì Barca còn chỉ là chiến đấu vì lòng kiêu hãnh.

bayern4

Những CĐV Blaugrana cũng tạo ra chút ồn ào vào đầu trận, nhưng Bayern vững chắc như hòn đá tảng, không chút rụt rè, sợ hãi hay lo lắng. Họ vẫn chuyền bóng rất hiệu quả đến lạnh lùng ở tuyến giữa và tràn ngập năng lượng trong từng tình huống phản công. Robben chính là người có cơ hội rõ ràng đầu tiên, nhưng xử lý hơi chậm cho phép Pique lùi về phá bóng.

Barca cố gắng áp đặt thế trận, nhưng do Fabregas không thể nào lấp đầy vai trò kiến tạo mà Messi để lại, Bayern chơi hoàn toàn thoải mái. Hàng rào ở giữa sân của họ với Bastian Schweinsteiger và Javi Martinez, chỉ còn cách án treo giò cho trận chung kết một thẻ vàng, thậm chí có sự xa xỉ khi chơi không cần quá quyết liệt. Với thể lực hơn hẳn các đối thủ chính Xavi và Andres Iniesta, họ chơi rất dễ dàng, đến mức vào hiệp 2 Tito Vilanova đã phải rút cả 2 tiền vệ biểu tượng của Camp Nou khỏi sân.

Kết quả cuối cùng là Barca chuyền bóng nhiều, nhưng chẳng đi tới đâu. Một cú sút từ khoảng cách 30 mét của Pedro bị thủ thành Manuel Neuer chặn lại, trong khi cú vô-lê từ khoảng cách 8 mét của Xavi cũng không thành bàn. Cả 2 trung vệ Marc Barta cùng Pique đều nỗ lực dâng cao nhằm gây thêm áp lực, nhưng Barcelona vẫn chẳng là gì với Messi ngồi trên ghế dự bị.

Bàn mở tỉ số của Bayern, 5 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, cho thấy khả năng tạo ra những khoảnh khắc siêu phàm của Robben. Ở lượt đi, anh ghi bàn khi chạy ra ngoài và dứt điểm tầm thấp. Ở Camp Nou, anh gặt bóng vào trong vòng cấm địa để có góc sút tốt hơn và tung ra pha dứt điểm vượt qua cả tầm cản phá của Adriano lẫn thủ thành Victor Valdes.

bayern2

Barca hiểu rằng mọi chuyện đã kết thúc khi giờ họ phải ghi 6 bàn trong 40 phút. Xavi rời sân và Vilanova thậm chí thấy không còn ý nghĩa nữa để mạo hiểm với Messi, nên người vào sân là Alexis Sanchez. Rồi Iniesta cũng được cho ra nghỉ, khi mọi hy vọng đã tắt, với người thay thế Thiago Alcantara.

Những phút còn lại chỉ là sự tra tấn nghiệt ngã cho các CĐV Camp Nou. Bayern bắt đầu ăn mừng chiến thắng của họ ngay cả khi trận đấu chưa kết thúc, chuyền bóng với sự tự tin như ở chỗ không người, với Franck Ribery, Martinez, Schweinsteiger và Robben chơi như đá tập. Những phút đó đặc biệt ngọt ngào với Martinez, người đã gặp Barcelona 15 lần cùng đội bóng cũ của anh Athletic Bilbao, nhưng không thắng nổi một trận nào và thua 2 trận chung kết cúp Nhà Vua 2009 và 2012.

Đúng vào lúc tưởng như mọi việc không còn có thể tệ hơn với Barca, Pique đốt lưới nhà từ một quả tạt của Ribery. Tỉ số là 3-0 khi cầu thủ người Pháp lại bứt tốc bên cánh trái lần nữa và tạt vào để Thomas Muller đánh đầu ngay cột gần. Rốt cuộc, trận bán kết đã biến thành một cuộc thảm sát khi những CĐV chủ nhà lũ lượt rời Camp Nou. 7 bàn khiến đội bóng xứ Catalan phá kỷ lục buồn của chính họ về thất bại nặng  nề nhất ở một kỳ Cúp C1/Champions League. Họ thua Madrid 2-6 năm 1960 và 3-7 trước Valencia 2 năm sau đó.

Với Bayern, tương lai không thể tươi sáng hơn. Họ sẽ tới Wembley gặp kình địch Borussia Dortmund ngày 25/5. Ngược lại, hành trình của Barca giờ không biết sẽ ra sao. Với cả Tito Vilanova và Chủ tịch CLB Sandro Rosell, một mùa hè rất bận rộn đang đợi họ.

Theo Bongda+

Bayern: Niềm hy vọng Robben!

Arjen Robben, cái tên từng đưa các CĐV Bayern tới những niềm vui tột độ và cả sự tận cùng của nỗi đau.

ROBBEN

Anh là người đặt dấu ấn đậm nét trong hành trình vô địch Bundesliga 2010 và gần như một mình mang về tấm vé chung kết Champions League 2010. Nhưng cũng chính anh đã một tay phá hủy 2/3 chức vô địch của Hùm xám trong năm 2012 khi thực hiện không thành công 2 quả phạt đền trong 2 trận đấu quyết định của mùa giải với Dortmund (Bundesliga) và Chelsea (chung kết Champions League).

Những sai lầm đó đã khiến Robben trở thành người thừa, kẻ bỏ đi tại Munich. Nhưng chính ngôi sao người Hà Lan đã và đang thay đổi suy nghĩ này bằng một phong độ chói sáng trong thời gian gần đây.

Ở trận đấu bán kết lượt về với Barcelona, Robben đã “đóng vai” Messi tại Nou Camp khi ngôi sao người Argentina không được ra sân. Trong cả trận, Robben hoạt động không biết mệt mỏi. Cầu thủ người Hà Lan không chỉ tham gia tích cực vào lối chơi phòng ngự tập thể của Bayern mà còn liên tục đặt khung thành của Barcelona vào thế báo động.

rucsang626

Phút 49 của trận đấu, nhận bóng từ đường chuyền dài của Alaba, Robben với pha đi bóng quen thuộc đã loại Adriano trước khi tung cú cứa lòng chân trái sắc như dao cạo mở tỷ số trận đấu. Một bàn thắng đẹp mắt, mang nhãn mác của riêng Robben. Quan trọng hơn, pha làm bàn này đã đặt dấu chấm hết cho những hy vọng ngược dòng của đội bóng xứ Catalan.

Với 10 bàn và 12 đường kiến tạo sau 25 trận ra sân ở mùa này cùng lối chơi thăng hoa trong giai đoạn cuối mùa, Robben đang được kỳ vọng sẽ đưa Bayern lên đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu đêm 25/5 tới tại Wembley.

Theo Bongda+